Được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, Hợp tác xã Tâm Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) đã phát huy hiệu quả bước đầu trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm vỏ quế cho người dân trên địa bàn tỉnh và đưa sản phẩm quế ra thị trường thế giới.
Chị Tạ Thị Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Hợi cho biết: Nhiều xã của Lào Cai có thế mạnh về phát triển cây quế, sản lượng quế người dân khai thác hằng năm lớn. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm phụ thuộc nhiều vào các tư thương nên giá bấp bênh và chưa có ưu thế trên thị trường.
Xuất phát từ thực tế trên, chị quyết định thành lập hợp tác xã nhằm liên kết thu mua, chế biến sản phẩm vỏ quế và tìm đầu ra cho sản phẩm, mong muốn đưa sản phẩm quế Lào Cai vươn xa, tạo việc làm cho người lao động.
Thế nhưng, khi bắt tay vào sản xuất sản phẩm quế xuất khẩu, dịch Covid-19 khiến việc trao đổi mua bán với khách hành bị gián đoạn. Cùng với đó là khó khăn về quy mô nhà xưởng và nguồn vốn hạn hẹp, chất lượng và mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng... Chị Hợi đã phải đến một số công ty lớn tại Hà Nội và Bắc Ninh để học hỏi cách sản xuất sao cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, chị cũng đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ cắt, đóng túi, đóng hộp sản phẩm, chủ động liên kết với người dân ở các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng quế trồng.
Với việc sản xuất, chế biến bài bản, tuân thủ quy trình kỹ thuật, các sản phẩm quế bột, quế chẻ, quế sáo thanh, quế sáo vụn, quế ép kiện,… dần được các khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tin dùng. Hiện nay, khoảng 80% sản phẩm quế của hợp tác xã được đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan. Bình quân, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 190 tấn quế khô các loại.
Nhờ hoạt động hiệu quả, Hợp tác xã Tâm Hợi không chỉ góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tăng thu nhập cho các hộ trồng quế mà còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 35 lao động địa phương, lúc cao điểm lên đến 70 lao động với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Chị Bàn Thị Hoa ở huyện Bảo Thắng cho biết: Từ khi có Hợp tác xã Tâm Hợi đứng ra cam kết thu mua sản phẩm quế, giá quế khá ổn định, thậm chí cao hơn so với các tư thương ở ngoài. Bà con bán bao nhiêu, hợp tác xã thu mua hết bấy nhiêu nên yên tâm phát triển diện tích trồng.
Theo báo LCĐT
- Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai hỗ trợ huyện Văn Bàn xây dựng Điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP (04-07-2022)
- Hội nghị tổ chức Đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông - lâm - thủy sản Trung Quốc và Việt Nam giao dịch thương mại tại tỉnh Lào Cai năm 2023 (04-07-2022)
- Khai mạc phiên chợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Bảo Thắng (04-07-2022)
- V/v hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2024 (04-07-2022)
- CÔNG TÁC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG (04-07-2022)