Quy tắc xuất xứ là yếu tố quan trọng hàng đầu để giúp doanh nghiệp nhận ưu đãi từ EVFTA. Bộ Công Thương đang nỗ lực tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Từ ngày 1/8/2020, một số sản phẩm thủy sản của Việt Nam như: Tôm hùm, hàu, mực, bào ngư hiện có mức thuế nhập khẩu lên đến 16 - 22% khi xuất khẩu vào thị trường EU sẽ được giảm còn 0%. Tuy nhiên, để được hưởng mức thuế này, sản phẩm phải được chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, tiêu chí xuất xứ đối với thủy sản nguyên liệu và thủy sản chế biến trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là xuất xứ thuần túy. Tức là thủy sản phải được sinh ra hoặc lớn lên tại một nước thành viên thuộc Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, Việt Nam được phép sử dụng mực và bạch tuộc nguyên liệu từ các nước ASEAN (quy tắc cộng gộp) để sản xuất mực và bạch tuộc chế biến xuất khẩu sang EU.
Thủy sản là một trong những mặt hàng được đánh giá là hưởng lợi lớn khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ với doanh nghiệp là không đơn giản. Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không phải là mới hoàn toàn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong GSP, là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU theo cơ chế GSP tương đối nhiều.
Tuy nhiên, so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo. Chẳng hạn một số mặt hàng như dệt may, mực và bạch tuộc chế biến được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định… Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA không hoàn toàn mới nhưng tương đối phức tạp. Chính vì vậy, để tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để thực thi Hiệp định trong thời gian tới.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo cú hích lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Để chuẩn bị cho thời điểm EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8 tới, Bộ Công Thương đã nhanh chóng ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, đồng thời tích cực phổ biến Thông tư đến các doanh nghiệp. Theo đó, EVFTA cho phép áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước.
Cụ thể, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp. Ở chiều ngược lại, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng.
Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng.
Hiện nay, EU vẫn dành cho Việt Nam cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Theo nguyên tắc, khi một quốc gia ký FTA với EU và hiệp định đó có hiệu lực thì GSP sẽ kết thúc. Tuy nhiên, trong thời gian đầu EVFTA có hiệu lực, do các bước cắt giảm thuế trong biểu cam kết thuế quan của EU nên thuế quan ưu đãi của EU tại thời điểm EVFTA có hiệu lực có thể cao hơn so với mức thuế mà Việt Nam đang được hưởng trong GSP. Chính vì vậy, EU cho phép Việt Nam chuyển đổi từ GSP sang EVFTA với lộ trình 7 năm.
Cùng với việc nhanh chóng ban hành các quy định về xuất xứ cho doanh nghiệp dễ thực thi, Bộ Công Thương đang áp dụng trên toàn quốc hệ thống khai báo C/O điện tử và cấp C/O qua internet. Nhờ đó, thời gian cấp C/O tại các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực trực thuộc Cục Xuất nhập khẩu chỉ trong vòng 2 - 4 giờ làm việc, đặc biệt có phòng giải quyết thủ tục trong khoảng 1 giờ làm việc đối với những lô hàng xuất khẩu bằng đường hàng không.
“Do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, ví dụ như thủy sản, dệt may hay da giày, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng ngay khi Hiệp định có hiệu lực”, ông Chinh khuyến cáo.
Thuật Nguyễn (Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử)
- Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc gặp gỡ, kết nối giao thương tại Lào Cai (09-07-2020)
- Hội nghị xúc tiến kết nối xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản tại tỉnh Lào Cai năm 2024 (09-07-2020)
- CẬP NHẬT GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU (09-07-2020)
- Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu, giao thương năm 2021 (09-07-2020)
- Trung Quốc tăng nhập khẩu sắn Việt Nam trong năm 2022 (09-07-2020)