Hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu, giao thương năm 2021 (24-11-2021)

 Sáng 19/11, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu giao thương năm 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngoài điểm cầu chính tại tỉnh Lào Cai, hội nghị có 16 điểm cầu tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước và 1 điểm cầu tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Hội nghị có sự tham gia của đại diện hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam thuộc 16 tỉnh, thành và gần 200 doanh nghiệp phía điểm cầu tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc).
Từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 8, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD, tăng 13,82% so với năm 2019; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 48,9 tỷ USD, tăng 17,95%. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nông sản, thủy sản; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; xơ, sợi… Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc hàng hóa trị giá 84,18 tỷ USD, tăng 11,55%; trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nhóm hàng sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, da giày, điện thoại...
Riêng hợp tác thương mại hai chiều giữa các tỉnh của Việt Nam với Chiết Giang năm 2020 đạt giá trị trên 8,11 tỉ USD; trong đó, Chiết Giang xuất khẩu sang Việt Nam đạt trên 6,09 tỷ USD; nhập khẩu của Việt Nam đạt trên 2,02 tỷ USD. Các mặt hàng Chiết Giang xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu gồm: Sản phẩm vải, dệt may; khung thép; nhung, lông vũ; linh kiện điện; máy móc ngành dệt may và linh kiện, giấy, gạch men; nhập khẩu từ Việt Nam gồm: Dệt may; sắt thép; cao su; hạt nhựa; lương thực; cao su tự nhiên; clinke; đá vôi... Riêng mặt hàng nông sản, trái cây gần như chưa có trao đổi nhiều, là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong thời gian tới, đưa các mặt hàng này của Việt Nam sang thị trường Chiết Giang.
Việc tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại thành phố Lào Cai kết hợp giao thương trực tuyến và trực tiếp là một hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực đối với việc thúc đẩy hoạt động giao thương, hợp tác thương mại giữa các địa phương của Việt Nam với thị trường tỉnh Chiết Giang và một số tỉnh lân cận của Trung Quốc, là cơ hội cho doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp logictics của Việt Nam được tiếp cận với các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, doanh nghiệp logictics của tỉnh Chiết Giang và một số tỉnh lân cận, từ đó sẽ tăng cường hợp tác xuất, nhập khẩu giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh Chiết Giang, góp phần nâng cao kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia 2 phòng họp trực tuyến để trao đổi thông tin, kết nối tiêu thụ các sản phẩm có tiềm năng xuất, nhập khẩu giữa 2 thị trường...
Ngoài ra, đại biểu phía Việt Nam đề nghịcác cơ quan hữu quan phía Trung Quốc, nhất là tỉnh Chiết Giang, tăng cường hơn nữa các hoạt động trao đổi thông tin, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thương nhân, doanh nghiệp giữa 2 bên.
Với vai trò kết nối giao thương, tỉnh Lào Cai cam kết hỗ trợ để hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng như chiều ngược lại được thuận lợi nhất với chi phí hợp lý nhất. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị xuất, nhập khẩu, củng cố mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa 2 nước.
Báo LCĐT
 

Giao thương - Xuất khẩu