Lào Cai tổ chức hội thảo giải pháp ứng dụng CNTT hỗ trợ thương mại điện tử, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của Lào Cai (10-04-2018)

Sáng 10/4/2018, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Hội thảo giải pháp ứng dụng CNTT hỗ trợ thương mại điện tử, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng tiềm năng của tỉnh Lào Cai.

Dự và chủ trì Hội thảo phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Hội thảo; Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Lãnh đạo các sở, ban ngành và trên 50 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.

Hội thảo giải pháp ứng dụng CNTT hỗ trợ thương mại điện tử, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của Lào Cai, là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, HTX chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển thương mại điện tử; Kết nối cung cầu giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nhằm thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là với những sản phẩm nông sản, các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Lào Cai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội thảo nhằm quảng bá tiềm năng và thế mạnh nông lâm nghiệp, các sản phẩm đặc trưng tiềm năng của tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến với các tỉnh, thành phố khác. Thông qua hội thảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn, tiêu chuẩn VietGap… để nâng cao giá trị sản phẩm; Thu hút các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Hội thảo cho rằng: Việc kết nối thương mại điện tử nhằm chia sẻ, mở rộng thị trường sẽ giúp cho nông dân có thể tiêu thụ sản phẩm, thông qua đó, các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, đặc trưng của người dân sẽ có cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm…Để triển khai được nội dung trên, tỉnh Lào Cai đã chủ động hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để có những giải pháp hiệu quả ứng dụng CNTT hỗ trợ thương mại điện tử, kết nối cung cầu cho sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của Lào Cai. Đồng chí cũng đánh giá cao vai trò của thương mại điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, tỉnh Lào Cai cũng như các ngành, các cấp cần phải kịp thời hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, để từ đó các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Lào Cai được quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

 Đồng chí đề nghị các ngành cần sớm xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại điện tử, chú trọng công tác tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động với các Bộ, ngành, doanh nghiệp để phát triển thương mại điện tử, sớm kết nối các sàn giao dịch điện tử, kết nối phần mềm truy suất nguồn gốc. Các huyện, thành phố phối hợp với các ngành tích cực triển khai đưa các đặc sản địa phương theo chương trình của tỉnh mỗi xã một đặc sản lên sàn. Các doanh nghiệp phải kết nối các website, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin đáp ứng với yêu cầu giao dịch… Tại buổi Hội thảo, đồng chí cũng cho biết, năm 2005, tỉnh Lào Cai chính thức đưa vào hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Lào Cai. Sau khi nâng cấp đã thu hút trên 7.300 doanh nghiệp tham gia; trong đó có 138 doanh nghiệp Lào Cai, 187 doanh nghiệp nước ngoài. Trên 37.600 sản phẩm đã được chào bán với 8.100 lượt giao dịch. Cũng tại Lào Cai có tới 99% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong sản xuất, kinh doanh; 38% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử; 20% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán sản phẩm; 90% siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không cần dùng tiền mặt; 30% cơ sở kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ. Lào Cai có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng đã có thương hiệu. Do vậy, việc kết nối các đặc sản này tới người tiêu dùng thông qua kênh thương mại điện tử là rất cần thiết. Tại hội thảo, lãnh đạo các sở ngành của tỉnh cũng đã đưa ra nhiều ý kiến về xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn gắn với truy suất nguồn gốc điện tử, và giải pháp kết nối giữa chương trình “mỗi làng một sản phẩm” với thương mại điện tử. Trên cơ sở đó để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số tham luận tại Hội thảo tập trung vào ứng dụng phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng cần được quan tâm hỗ trợ hơn, để kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm. Cụ thể ở đây là việc cần có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp HTX vừa và nhỏ trong việc xây dựng quảng bá, quản lý trang mạng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc; Kịp thời cung cấp các dịch vụ cho thương mại điện tử, hỗ trợ kết nối quảng bá các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh; Trong đó có cả việc phát triển thương mại điện tử qua biên giới...

 

Tin, ảnh Hoàng Chinh