Phát triển công nghiệp - “đòn bẩy” tăng trưởng kinh tế (01-03-2021)

 Những đóng góp của ngành công thương vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm qua đã và đang tạo đà cho bước phát triển mới của ngành trong chặng đường 5 năm 2021 - 2025. Phóng viên Báo Lào Cai đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương về nội dung này.

Ông Hoàng Chí Hiền: Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng kép của thời tiết khô hạn kéo dài và dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp giảm sút mạnh. Bắt đầu từ tháng 5, nhờ sự tích cực của các doanh nghiệp và việc triển khai các biện pháp hỗ trợ trong việc nhập cảnh chuyên gia kỹ thuật, nhập khẩu nguyên - nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị và tiêu thụ sản phẩm, hoạt động sản xuất đã phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao, là điểm sáng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp vượt 2,4% kế hoạch năm, đạt hơn 37.050 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019, vượt 10,6% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra đến năm 2020.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sản lượng tăng cao, đặc biệt đã có thêm 1 nhà máy phốt pho đỏ đi vào sản xuất, tạo ra sản phẩm mới cho công nghiệp Lào Cai. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 26.380 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2019, tiếp tục khẳng định Lào Cai là trung tâm luyện kim, hóa chất của cả nước.

Lĩnh vực sản xuất và phân phối điện đã phát huy được tiềm năng về thủy điện của tỉnh, giá trị sản xuất đạt 7.907 tỷ đồng, tăng 35,5% so với năm 2019.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công tác khuyến công được quan tâm phát triển. Hiện tại, trên địa bàn có hơn 5.768 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho 15.648 lao động, thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Hàng hóa trên thị trường lưu thông thông suốt với giá ổn định, chất lượng được nâng cao, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Phóng viên: Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVI, ngành công thương Lào Cai đã xây dựng kế hoạch và có những giải pháp cụ thể nào để hiện thực hóa các nhiệm vụ, mục tiêu, thưa ông?

Ông Hoàng Chí Hiền: Bước sang năm 2021, ngành công thương Lào Cai được giao giá trị sản xuất công nghiệp 40.400 tỷ đồng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa 38.800 tỷ đồng, giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa 4,6 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu trên, ngành công thương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, ngành chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; hoàn thiện nội dung thuộc lĩnh vực công thương tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; hoàn thiện Đề án điều chỉnh khu công nghiệp phía Tây thành phố Lào Cai về khu vực xã Thái Niên và xã Phong Niên (Bảo Thắng) và triển khai quy hoạch chung khu công nghiệp khi đề án được phê duyệt; thu hút đầu tư khu công nghiệp gia công, chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu trong khu kinh tế cửa khẩu; triển khai Đề án phát triển dịch vụ, khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025; xây dựng và triển khai các đề án thành phần “Phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, “Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại giai đoạn 2020 - 2025”...

Song song với đó là đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh và kiểm tra tiến độ thực hiện 7 dự án thủy điện dự kiến hoàn thành trong năm 2021; quản lý và tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung nắm thông tin thị trường, các chính sách biên mậu của Trung Quốc, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa và nâng cao chất lượng công tác phối hợp tổ chức Hội chợ Thương mại biên giới Việt - Trung năm 2021 tại Lào Cai; hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Năm 2021, ngành xác định lấy sự phát triển của doanh nghiệp, sự hài lòng của người dân là mục tiêu. Nâng cao đạo đức công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới lề lối, tác phong làm việc; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đoàn kết, chủ động sáng tạo, đổi mới, tăng cường phân cấp, khơi thông nguồn lực vì một Lào Cai phát triển toàn diện.

Phóng viên: Chủ trương của tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu, giảm khai thác và sơ chế, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, vậy xin ông cho biết những mục tiêu cụ thể của giai đoạn tới ?

Ông Hoàng Chí Hiền: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định tiếp tục duy trì phát triển công nghiệp đảm bảo là trụ cột quan trọng cho phát triển kinh tế, trong đó tập trung công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, ngành công thương Lào Cai quyết tâm tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy đầu tư và sớm đưa các dự án lớn sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng có nguồn nguyên liệu từ đồng kim loại thương phẩm, thép thương phẩm, hóa chất cơ bản vào hoạt động: Nhà máy Luyện đồng Bản Qua với công suất 20 nghìn tấn đồng kim loại/năm, Nhà máy sản xuất cáp điện công nghệ cao công suất 20.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất gang 500.000 tấn năm, Nhà máy cán thép 1.000.000 tấn/năm, Nhà máy phân NPK hóa học 50.000 tấn/năm, Nhà máy DAP chất lượng cao 50.000 tấn/năm, Nhà máy axít photphoric điện tử 60.000 tấn năm, Nhà máy phụ gia thức ăn chăn nuôi gia cầm, cá 50.000 tấn/năm, đầu tư mới 1 nhà máy và mở rộng nâng công suất nhà máy sản xuất phốt pho đỏ hiện tại lên 10.000 tấn/năm...

Từ năm 2021, đối với các nhà máy sản xuất phốt pho vàng phải cải tiến, thay thế các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu; đổi mới công nghệ để sử dụng 100% quặng apatit loại II và quặng tuyển. Đối với các nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón (phân lân, phốt pho vàng, DAP) sẽ tập trung nâng cao, cải tiến công nghệ xử lý chất thải thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cung cấp cho thị trường.

Đến năm 2025, tất cả các nhà máy chế biến sâu sử dụng quặng apatit trên địa bàn tỉnh sử dụng 100% quặng apatit loại II, quặng bột và quặng tuyển.

Đến năm 2025, không xuất khẩu phốt pho vàng, các nhà máy sản xuất phốt pho vàng tập trung nâng cao, cải tiến công nghệ để sử dụng nguồn nguyên liệu phốt pho vàng sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao (phốt pho đỏ, axit thực phẩm, các muối phốt phát, phân lân giàu...).

Đưa ngành luyện đồng trên địa bàn tỉnh trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước với công nghệ tiên tiến, hiện đại.

  Nguồn: Báo Lào Cai

Thông tin thị trường
  • Thị trường
  • Ngành hàng